Phát biểu khai mạc, KS Nguyễn Hữu Dũng – Trưởng Ban An toàn thực phẩm, Viện NFSI cho biết việc sản xuất thực phẩm nông sản tại Việt Nam còn nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định dẫn đến sự khó khăn trong nền sản xuất hàng hóa. Thói quen tiêu dùng người Việt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành sản xuất nông sản. Bên cạnh đó, liệu chính sách an toàn thực phẩm hiện nay đã cởi mở hay chưa, khi kiểm nghiệm, kiểm chứng phải là phòng kiểm nghiệm nhà nước. Ông tin rằng có rất nhiều phòng thử nghiệm tại Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu khắt khe của cơ quan quản lý nhà nước.
Đến với buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Đáng – Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam chia sẻ về mối nguy mà chúng ta chưa quan tâm tới, đó chính là thực phẩm giả. Có thể nói hàng giả hiện nay tràn lan ngoài thị trường, hầu hết với mục đích là kinh tế. Ông cho biết Việt Nam đã có kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm bằng việc phân tích nguy cơ và kiểm soát phòng ngừa dựa trên các mối nguy. Để làm được điều này, cần có sự kiểm soát toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm.
“Có 3 loại chuỗi, đó là chuỗi nhánh, tiêu thụ trong phạm vi quanh trang trại; chuỗi trung bình, có thể phân phối cho các phạm vi lân cận; và chuỗi dài, phạm vi có thể vượt qua biên giới”, ông nói.
Là một người có nhiều trăn trở về hoạt động sản xuất nông sản tại Việt Nam, Tiến sĩ Tạ Văn Tường – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nội cho rằng yếu tố trung gian trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Các kỹ sư, kỹ thuật viên cần đào tạo để có nền tảng chung trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm bổ sung, kết nối chặt chẽ hơn khi làm việc với các doanh nghiệp. Các phòng thí nghiệm hiện nay còn thực hiện việc kiểm nghiệm chưa đồng bộ, cần tìm cách khắc phục để sát với thực tế hơn. “Chúng ta cần nghiên cứu thêm những tiêu chuẩn của nước ngoài, bổ sung máy móc, nguồn nhân lực và đặc biệt là quy trình thao tác kiểm nghiệm thực phẩm. Từ đó, sẽ dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm”, ông cho biết.
Kết thúc buổi tọa đàm, GS.TS Phan Thị Kim mong muốn các đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo và tạo những hội thảo chuyên đề về nhu cầu hiện tại ngay trong đời sống hàng ngày liên quan đến an toàn thực phẩm: “Chúng ta cần ngồi lại với nhau để thấy rằng, lý thuyết chúng ta đã có, nhưng thực tế đặt ra những vấn đề gì, phải phối hợp với nhau, một mình chúng ta thì không thể làm được”.
Tác giả bài viết: Viện An toàn thực phẩm và Dinh Dưỡng
Ý kiến bạn đọc