Điều lệ

Tổ chức và hoạt động của Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 982/QĐ-LHHVN ngày 25/9/2018 của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Cơ sở pháp lý
Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (sau đây gọi tắt là Viện) là tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội Việt Nam), hoạt động theo Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ, Thông tư số 03/2014/TT-BKHCN ngày 31/3/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Điều lệ và các quy định của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Điều 2. Tư cách pháp nhân
            1. Tên Viện:
- Tên tiếng Việt: Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng
- Tên tiếng Anh: Nutrition and Food Safety Institute
- Tên viết tắt bằng tiếng Anh: NFSI
2. Viện có tư cách pháp nhân độc lập, có con dấu riêng, có tài khoản bằng tiền Việt Nam và ngoại tệ tại ngân hàng.
3. Viện có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội, trong quá trình hoạt động, Viện có thể mở các Văn phòng đại diện trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại. Chi nhánh, văn phòng đại diện do Viện thành lập và là đơn vị không có tư cách pháp nhân độc lập.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động
Viện hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự quản, tự trang trải về tài chính theo quy định của pháp luật, Điều lệ và các quy định của Liên hiệp Hội Việt Nam; tự chịu trách nhiệm về các hoạt động khoa học, công nghệ và các hoạt động khác đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện do Liên hiệp Hội Việt Nam phê duyệt.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ
Điều 4Chức năng, nhiệm vụ 
1. Chức năng:
  1. Nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ mới, phát triển sản phẩm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm.
  2. Tư vấn, phản biện, giám định xã hội về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
  3. Cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ và đào tạo lĩnh vực dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
2. Nhiệm vụ:
            a) Nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; quản trị chuỗi thực phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
            b) Dịch vụ: Khoa học công nghệ (chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, hệ thống quản lý chất lượng, thử nghiệm lâm sàng); Đào tạo, tập huấn, xác nhận kiến thức, tư vấn thủ tục hành chính; Tổ chức hội nghị, hội thảo, hội đồng chuyên gia, triển lãm trong nước, quốc tế về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
            c) Khảo sát, đánh giá, thẩm định và thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề tài, dự án trong nước và quốc tế liên quan đến dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
Điều 5. Quyền hạn, nghĩa vụ 
1. Quyền hạn:
a) Tự chủ tổ chức bộ máy, nhân lực, tài chính và hạch toán độc lập; ký kết hợp đồng kinh tếthực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, quyết định giá cả các sản phẩm nghiên cứu, dịch vụ khoa học và công nghệ theo thỏa thuận qua hợp đồng; tự chủ ký kết thỏa thuận hợp tác với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện nhiệm vụ của Viện theo quy định của pháp luật và của Liên hiệp Hội Việt Nam.
b) Xây dựng kế hoạch hoạt động và thực hiện các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đã được phê duyệt.
c) Hợp tác, liên doanh, liên kết với các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước, nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân; góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ để tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện và theo quy định của pháp luật.
d) Công bố, giới thiệu, chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật Báo chí, Luật Xuất bản, các quy định khác của pháp luật và của Liên hiệp Hội Việt Nam.
đ) Các quyền khác quy định trong Luật Khoa học và Công nghệ, các văn bản pháp luật có liên quan và các quy định của Liên hiệp Hội Việt Nam. 
2. Nghĩa vụ:
2. Nghĩa vụ
a) Thực hiện đúng pháp luật, Điều lệ và các quy định của Liên hiệp Hội Việt Nam, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện; hoạt động theo đúng các nội dung đã được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ; tuân thủ các quy định của pháp luật khi hoạt động trong các lĩnh vực cần có điều kiện.
b) Thực hiện công tác tài chính theo quy định, đăng ký mã số thuế, kê khai thuế, nộp thuế, nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác, bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,bảo hiểm thất nghiệp, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc đã công bố.
c) Thực hiện chế độ báo cáo với Liên hiệp Hội Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan chức năng theo quy định.
d) Bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ bí mật về khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật. Đóng góp vào sự phát triển của Liên hiệp Hội Việt Nam.
đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Liên hiệp Hội Việt Nam.
Chương III
TỔ CHỨC BỘ MÁY
Điều 6. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Viện
  1. Hội đồng quản lý;
  2. Hội đồng khoa học;
  3. Ban lãnh đạo;
  4. Kế toán trưởng;
  5. Văn phòng và các Phòng/Ban chức năng;
Điều 7. Hội đồng quản lý
1. Tổ chức
a) Hội đồng quản  sẽ được kiện toàn trên  sở Hội đồng sáng lập sau khi có quyết định thành lập Viện. Hội đồng quản lý là cơ quan quyết định cao nhất của Viện, tồn tại trong suốt quá trình hoạt động pháp nhân của Viện và chỉ chấm dứt trong trường hợp Viện giải thể.
b) Hội đồng quản lý gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch (nếu có), các thành viên sáng lập còn lại và thành viên được bổ sung (nếu có).
c) Hội đồng quản lý có thể bổ sung, thay đổi thành viên khi được sự nhất trí bằng văn bản của ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng quản lý.
d) Hội đồng quản lý được Liên hiệp Hội Việt Nam ra quyết định công nhận.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý
a) Xác định phương hướng và kế hoạch phát triển của Viện.
b) Xây dựng và quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch hoạt động dài hạn, ngắn hạn và hàng năm củaViện.
c) Thông qua các kế hoạch tài chính và quyết toán tài chính của Viện.
d) Thông qua cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động và quản lý, các hình thức khen thưởng, kỷ luật theo đề nghịcủa Viện trưởng.
đ) Bầu bổ sung, thay đổi Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên Hội đồng quản lý và đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam ra quyết định công nhận.
e) Đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam ra quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc/Viện trưởng; thông qua chức danh Phó Viện trưởng, Kế toán trưởng do Viện trưởngđề nghị để trình Liên hiệp Hội Việt Nam ra quyết định.
g) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện và đề nghị Liên hiệp Hội Vịêt Nam ra quyết định.
h) Kiểm tra, giám sát hoạt động và tài sản, tài chính của Viện.
i) Quyết định việc tự giải thể Viện và đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam ra quyết định giải thể.
k) Các quyền khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động này.
3. Trách nhiệm của Hội đồng quản lý
a) Chịu trách nhiệm về những nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản lý.
b) Ban hành các biên bản, quyết định, nghị quyết hợp pháp, đúng Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện đã được Liên hiệp Hội Việt Nam phê duyệt. 
4. Hoạt động và nguyên tắc làm việc của Hội đồng quản lý
a) Hội đồng quản lý họp định kỳ 06 tháng/lần hoặc được triệu tập họp bất thường trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý hoặc của ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng quản lý.
b) Nội dung cuộc họp và các quyết định của Hội đồng quản lý phải được lập thành văn bản. Cuộc họp có giá trị khi có ít nhất 2/3 ủy viên Hội đồng quản lý dự họp. Các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản lý được thông qua và có hiệu lực khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng quản lý chấp thuận.
5. Quyền và trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản lý
a) Điều hành và quản lý hoạt động của Hội đồng quản lý. Triệu tập và chủ toạ cuộc họp Hội đồng quản lý, xây dựng nội dung chương trình cuộc họp.
b) Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng quản lý. 
c) Ký các văn bản, nghị quyết thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản lý. 
d) Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản lý giữa hai kỳ họp.
Chủ tịch Hội đồng quản lý có nhiệm kỳ 05 năm, được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế và có thể bị miễn nhiệm khi chưa hết nhiệm kỳ. Chủ tịch Hội đồng quản lý có thể kiêm chức vụ Viện trưởng.
6. Quyền và trách nhiệm của Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý
a) Thực hiện các công việc do Chủ tịch Hội đồng quản lý ủy quyền.
b) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng quản lý điều hành hoạt động của Hội đồng quản lý khi Chủ tịch Hội đồng quản lý vắng mặt và được ủy quyền. 
Điều 8. Hội đồng khoa học 
1. Hội đồng khoa học của Viện gồm các nhà khoa học và chuyên gia có trình độ chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quanHội đồng khoa học có nhiệm vụ tư vấn cho Viện trưởngtrong việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đánh giá, thẩm định và phản biện các đề tài, dự án, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của Viện.
2. Hội đồng khoa học gồm Chủ tịch, thư ký và một số thành viên do Viện trưởngmời sau khi thông qua Hội đồng quản lý và ra quyết định thành lập, hoạt động theo quy chế của Viện.
3. Viện có thể thành lập các Hội đồng khoa học chuyên ngành gồm những người trong và ngoài Viện phù hợp với từng vấn đề chuyên môn cụ thể.
Điều 9. Ban Lãnh đạo Viện 
1. Viện trưởng
a) Viện trưởng là người đại diện pháp luật, là chủ tài khoản của Viện; chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức và điều hành hoạt động của Viện, chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý, Liên hiệp Hội Việt Nam và trước pháp luật. Viện trưởngdo Liên hiệp Hội Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý.
b) Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng
- Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Viện, tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản lý, điều hành các hoạt động và các vấn đề liên quan đến công việc hàng ngày của Viện, thực hiện các chế độ quản lý tài chính kế toán của một đơn vị hạch toán độc lập theo quy định về tài chính của Nhà nước và Liên hiệp Hội Việt Nam.
- Xây dựng cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động và quản lý, các hình thức khen thưởng, kỷ luật; ban hành các quy chế; đề xuất khen thưởng, kỷ luật của Viện.
- Lựa chọn các Phó Viện trưởng và Kế toán trưởng thông qua Hội đồng quản lý để trình Liên hiệp Hội Việt Nam ra quyết định bổ nhiệm.
- Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh quản lý bộ phận của Viện (trừ các chức danh thuộc thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm của Liên hiệp Hội Việt Nam).
- Quyết định lương và phụ cấp (nếu có) đối với người lao động của Viện.
- Tuyển dụng lao động, ký hợp đồng lao động và chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
- Ra quyết định thành lập hoặc giải thể các phòng/ban chuyên môn của Viện theo nghị quyết của Hội đồng quản lý.
- Các quyền và nhiệm vụ khác tuân theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện, quy định của pháp luật, Điều lệ và quy định của Liên hiệp Hội Việt Nam.
c) Nhiệm kỳ của Viện trưởng là 05 năm.
2. Phó Viện trưởng
a) Phó Viện trưởng do Liên hiệp Hội Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Viện trưởng. Phó Viện trưởng giúp Viện trưởngtrong việc điều hành Viện theo sự phân công và ủy quyền của Viện trưởng, chịu trách nhiệm trước Viện trưởngvà trước pháp luật về nhiệm vụ được Viện trưởng phân công hoặc ủy quyền.
b) Nhiệm kỳ của Phó Viện trưởng là 05 năm.
Điều 10. Kế toán trưởng
1. Kế toán trưởng là người giúp việc Viện trưởng thực hiện công tác tài chính, kế toán của Trung tâm, chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động tài chính, kế toán của Viện theo đúng các quy định về tài chính và kế toán của Nhà nước. Kế toán trưởng do Liên hiệp Hội Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Viện trưởng và được sự đồng ý của Hội đồng quản lý.
2. Nhiệm kỳ của Kế toán trưởng là 05 năm.
Điều 11. Văn phòng và các đơn vị chuyên môn
1. Viện có văn phòng và các đơn vị chuyên môn (các đơn vị này không có tư cách pháp nhân độc lập). Việc thành lập văn phòng và các đơn vị chuyên môn cũng như bổ nhiệm, miễn nhiệm trưởng, phó trưởng các đơn vị này do Viện trưởng quyết định.
2. Nhân lực
a) Nhân lực của Viện bao gồm các cán bộ chính thức không thuộc biên chế Nhà nước, các cán bộ kiêm nhiệm và cộng tác viên tự nguyện tham gia hoạt động tại Viện. Người làm việc cho Viện được hưởng lương, phụ cấp và các lợi ích khác của Viện trên cơ sở hoàn thành khối lượng công việc được giao.
b) Quyền hạn, nghĩa vụ của các cá nhân, đơn vị của Viện được quy định chi tiết trong Quy chế hoạt động của Viện và trong các điều khoản hợp đồng lao động do các bên tham gia thỏa thuận ký kết.
c) Cá nhân, đơn vị của Viện có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế hoạt động của Viện. Cá nhân, đơn vị nào vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại tài chính công, sẽ phải bồi thường hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương IV
QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ CƠ SỞ VẬT CHẤT - KỸ THUẬT
Điều 12. Nguyên tắc tài chính
  1. Viện hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự quản và tự hạch toán về tài chính theo đúng các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán hiện hành.
  2. Năm tài chính của Viện bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Điều 13. Nguồn thu 
1. Vốn đóng góp của các thành viên.
2. Kinh phí thu được từ các hoạt động nghiên cứu, dịch vụ và các hoạt động khác của Viện.
3. Vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
4. Tài trợ của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước.
5. Các nguồn thu hợp pháp khác.
Điều 14. Sử dụng tài chính
1. Chi cho hoạt động thường xuyên của Viện.
2. Thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động theo đúng chức năng và nhiệm vụ của Viện đã đề ra.
3. Mua sắm, thuê các phương tiện vật chất - kỹ thuật cần thiết cho hoạt động của Viện.
4. Thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và Liên hiệp Hội Việt Nam.
5. Các khoản chi phí hợp pháp khác.
Sau khi thanh toán và hoàn trả các chi phí, hoàn thành các nghĩa vụ, phần lợi nhuận còn lại sẽ được sử dụng cho các Quỹ (Quỹ đầu tư và phát triển, Quỹ phúc lợi, Quỹ khen thưởng…).
Điều 15. Tài sản
1. Vốn điều lệ do Viện quyết định. Trong đó, vốn bằng tiền mặt tại thời điểm đăng ký thành lập phải đảm bảo đủ kinh phí hoạt động thường xuyên của Viện ít nhất trong 01 năm. Tài sản của Viện gồm tài sản cố định và tài sản khác được bổ sung trong quá trình hoạt động. Chủ tịch Hội đồng quản lý và Viện trưởng chịu trách nhiệm quản lý tài sản, thực hiện kiểm kê theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Tài sản và nguồn thu tài chính của Viện không được chuyển thành sở hữu cá nhân dưới mọi hình thức.
Chương V
GIẢI THỂ
            Điều 16. Các trường hợp giải thể 
1. Viện xin tự giải thể.
2. Viện bị Liên hiệp Hội Việt Nam quyết định giải thể trong trường hợp:
    1. Hoạt động không có hiệu quả, không có khả năng thực hiện được chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu của Viện.
    2. Vi phạm Điều lệ và các quy định của Liên hiệp Hội Việt Nam đến mức bị giải thể.
    3. Bị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.
    4. Vi phạm pháp luật đến mức phải giải thể.
Điều 17. Thủ tục giải thể
  1. Trong trường hợp giải thể, việc thanh lý tài sản và thủ tục giải thể, Viện thực hiện theo đúng trình tự, các quy định của pháp luật và Liên hiệp Hội Việt Nam. Toàn bộ tài sản của Viện sau khi thanh toán các khoản nợ và đóng góp của các thành viên, sẽ được trao tặng lại cho tổ chức/quỹ hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo và phi lợi nhuận. Chủ tịch Hội đồng quản lý và Viện trưởng chịu trách nhiệm về các khoản nợ, tranh chấp tài chính của đơn vị khi giải thể trước pháp luật.
  2. Liên hiệp Hội Việt Nam ban hành quyết định giải thể. Viện phải thông báo quyết định giải thể đến các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức và cá nhân có liên quan biết theo quy định của pháp luật.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18Sửa đổi, bổ sung
Trong quá trình hoạt động, Viện có thể sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động. Việc bổ sung, sửa đổi do Viện trưởng đề nghị khi đã được Hội đồng quản lý thông qua và được Liên hiệp Hội Việt Nam phê duyệt.
Điều 19Hiệu lực của Điều lệ tổ chức và hoạt động
Điều lệ tổ chức và hoạt động gồm 06 chương, 19 điều, có hiệu lực kể từ ngày được Liên hiệp Hội Việt Nam ký quyết định phê duyệt./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây