Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là gì ?
Truy xuất nguồn gốc đó là việc truy tìm nguồn gốc, dấu vết của thực phẩm trên toàn chuỗi cung ứng, cả về phía trước và phía sau (Bosona & Gebresenbet, 2013).
Truy xuất nguồn gốc được đặc trưng bởi 3 nội dung: truy tìm nguồn gốc của sản phẩm ngược về thượng nguồn của chuỗi, theo dõi sản phẩm xuôi về hạ nguồn và liên kết thông tin quá khứ với quá trình dịch chuyển của sản phẩm trên toàn chuỗi
Theo truyền thống, việc truy xuất nguồn gốc được thực hiện dựa vào phương pháp “tài liệu hóa” (Parreño-Marchante, Alvarez-Melcon, Trebar, & Filippin, 2014), phương pháp này đã làm gia tăng văn bản giấy tờ, gia tăng thời gian làm việc, tuy nhiên việc gian lận rất khó phát hiện. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, hiện nay hệ thống “văn bản tài liệu” đã được thay thế bởi các phần mềm tin học. Nhưng, thực tế thì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa thực hiện biện pháp này do chưa thấy được tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do khó khăn về tài chính và do sự thiếu hiểu biết của doanh nghiệp. Để truy xuất nguồn gốc, hệ thống cần phải quản lý một khối lượng lớn thông tin cập nhật thường xuyên. Sự phát triển của khoa học kĩ thuật đã có những bước tiến lớn về truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Xây dựng mô hình Vietgap điện tử (E. Vietgap) để truy xuất nguồn gốc thực phẩm mới có thể đạt được mục tiêu kiểm soát nguồn gốc thực phẩm phục vụ người tiêu dùng, đồng thời duy trì bền vững thị trường cho người sản xuất thực phẩm tăng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận do giảm được các chi phí giấy tờ, quy trình truyền thống, vận chuyển, có thể hòa nhập được vào các thị trường quốc tế nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng đi đầu trong lĩnh vực này. Viện đã và đang triển khai thực hiện, hướng dẫn cách làm truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở đã được chứng nhận Vietgap truyền thống và các cơ sở mới tham gia chứng nhận Vietgap điện tử.
Tác giả bài viết: Viện NFSI