Viện NFSI tổng kết hoạt động 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023
Nguồn tin:
Năm 2023, cùng với triển khai các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (Viện NFSI) tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, phối hợp nghiên cứu khoa học với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế về lĩnh vực an toàn thực phẩm và Dinh dưỡng.
Theo Viện trưởng Viện NFSI, PGS.TS Pham Thị Kim, nhân sự của Viện NFSI hiện nay là 25 người, trong đó có 03 Giáo sư Tiến sĩ, 05 Phó giáo sư Tiến sĩ, 02 Tiến sĩ; 05 Thạc sỹ, 10 kỹ sư, cử nhân. Khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị,… nên Viện NFSI đã phối hợp với một số đơn vị có phòng thí nghiệm đạt công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 17025:2017, đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại: 02 máy sắc ký lỏng hiệu năng cao HPLC, 02 máy sắc ký khí khối phổ GC/MS, 02 máy quang phổ hấp thụ nguyên tử... để thực hiện các nhiệm vụ kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm, nông sản.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Viện NFSI vẫn có thuận lợi vì Trụ sở có các phòng để tổ chức lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo, hội nghị; có cơ sở giới thiệu sản phẩm; có trang trại tại xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội để khảo nghiệm, thực nghiệm rau củ quả, chăn nuôi. Xác định hoạt động khoa học và công nghệ của đơn vị thuộc lĩnh vực An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng nên trong năm 2022, Viện đã mở 7 lớp tập huấn, cấp Giấy xác nhận kiến kiến thức về an toàn thực phẩm cho 186 học viên; mở lớp Đào tạo kỹ thuật lấy mẫu thực phẩm và cấp chứng chỉ cho 248 học viên; mở lớp Đào tạo nghiệp vụ quản lý an toàn thực phẩm và cấp chứng chỉ cho 70 học viên,… Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên, Viện NFSI đã phát huy và khai thác được các nguồn lực, thực hiện tốt các nhiệm vụ KH&CN đã đề ra. Năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn tồn tại, được sự cho phép của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế, Viện NFSI đã chuyển đổi hình thức đào tạo trực tiếp sang tổ chức đào tạo liên tục theo hình thức trực tuyến đối với một số lớp về An toàn thực phẩm. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo, thăm quan trao đổi kinh nghiệm về an toàn thực phẩm,… mang lại nhiều kết quả thiết thực. Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2022, Hội đồng Quản lý Viện NFSI cũng phân tích nguyên nhân những tồn tại, hạn chế, biện pháp khắc phục nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, phương hướng hoạt động năm 2023, gồm: (1) Tiếp tục triển khai mở các lớp đào tạo cấp chứng chỉ/chứng nhận/xác nhận cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu đào tạo và tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng. (2) Tăng cường quảng bá hình ảnh, các dịch vụ của Viện để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong và ngoài nước. (3) Tăng cường hợp tác với các cơ quan/doanh nghiệp về dịch vụ của Viện. (4) Phối hợp nghiên cứu khoa học với các đơn vị, tổ chức cá nhân trong nước và quốc tế về lĩnh vực an toàn thực phẩm và Dinh dưỡng. Viện NFSI kiến nghị Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa trong việc kết nối đến các tổ chức trong nước, nước ngoài, nhằm tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ khoa học - công nghệ, thực hiện các dự án, đào tạo trong lĩnh vực chuyên môn của Viện NFSI trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tác giả bài viết: Viện An toàn Thực phẩm và Dinh dưỡng
Bảo đảm ATTP và chế độ dinh dưỡng cho người lao động, cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, khu cách ly