Từ một nước nhập khẩu lương thực chúng ta đã vươn lên hàng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo.Đồng thời với sự phát triển kinh tế đất nước là những mặt trái của cơ chế thị trường. Do chạy theo sản phẩm, doanh thu và lợi nhuận, cộng với nhận thức kém của người dân đã dẫn đến việc sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Khi đã giải quyết được “cái đói” thì giờ đây, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm lại làm chúng ta phải thường xuyên lo lắng, thực tế đã bị những thiệt hại lớn về kinh tế, thậm chí phải chịu cả những mất mát lớn về con người do ngộ độc thực phẩm gây nên. Điều đó có những tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội
Tình hình ngộ độc thực phẩm tuy không gia tăng nhưng phức tạp hơn nhiều. Số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra với qui mô lớn, cả ở miền núi, nông thôn, thành thị và thường xuất hiện ở những bữa ăn đông người.
Việc ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh trong quá trình bảo quản và chế biến thực phẩm, nạn làm hàng giả dẫn tới những vụ ngộ độc thực phẩm lớn.Có trường phải tạm thời nghỉ học.Có nhà máy, xí nghiệp tạm ngừng sản xuất một thời gian để điều tra nguyên nhân và khắc phục hậu quả.Những lô hàng thực phẩm lớn phải tiêu hủy trong khi kinh tế nước ta còn rất khó khăn, nhiều quan hệ thương mại với các nước bị gián đoạn. Tất cả những thiệt hại do ngộ độc thực phẩm gây ra là vô cùng to lớn, hậu quả nguy hiểm và lâu dài. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề báo động.
Từ thực tế bức xúc nêu trên,ngày 26 tháng 7 năm 2003 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày 17 tháng 6 năm 2010 Quốc hội thông qua Luật an toàn thực phẩm thay thế Pháp lệnh trên.Công tác quản lý của nhà nước đối với an toàn thực phẩm toàn diện, bao phủ được hết chuỗi cung cấp thực phẩm” từ trang trại đến bàn ăn”.
Dưới Luật an toàn thực phẩm là các văn bản hướng dẫn Luật, Nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết, quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm điều chỉnh toàn bộ người tham gia vào chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều phải có xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Đồng thời, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩmcũng phải có các chứng chỉ chuyên môn phù hợp nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Các chương trình đào tạo liên tục chuyên ngành an toàn thực phẩm không phải là vấn đề mới mà đã bắt buộc triển khai trong ngành y tế từ khi văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực, nhiều cơ sở đào tạo đã được Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo cấp mã số, theo đó các chương trình về cơ bản là các nội dung bắt buộc trong các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Dân số ngày càng gia tăng, thị trường thực phẩm ngày càng lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm ngày càng phát triển, nhu cầu đào tạo về chuyên ngành an toàn thực phẩm cũng tăng cao, điều đó đòi hỏi có thêm cơ sở đào tạo phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Ngày 10/10/2019, Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng đã được Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 212/QĐ-K2ĐT về việc cấp mã số đào tạo liên tục B77 cho Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (NFSI), thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.