Gần 100 cán bộ, Hội viên Hội phụ nữ các cấp huyện Thanh Trì được tiếp cận kiến thức ATTP
Nguồn tin:
NFSI - Ngày 18/7, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ huyện Thanh Trì (Hà Nội) phối hợp với Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (Viện NFSI) tổ chức hội thảo về chủ đề “Lựa chọn, bảo quản, chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn tại hộ gia đình”.
Tham dự hội thảo, về phía huyện Thanh Trì có các đồng chí: Phạm Nguyên Nhung, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN; Phạm Trung Hiếu, Phó trưởng Ban dân vận Huyện ủy; gần 100 cán bộ, hội viên phụ nữ các xã, thị trấn của huyện Thanh Trì.
Viện NFSI có các đồng chí: Khuất Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng; Hoàng Thị Minh Thu, nguyên Phó Chi cục trưởng ATTP Hà Nội, chuyên gia viên An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng.
Với chủ đề “Lựa chọn, bảo quản, chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn tại hộ gia đình”, bà Hoàng Thị Minh Thu, nguyên Phó Chi cục trưởng ATTP Hà Nội, chuyên gia viên An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng đã giới thiệu các vấn đề: thực trạng ngộ độc thực phẩm, các mối nguy gây ngộ độc thực phẩm; Cách lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm, sản phẩm thực phẩm an toàn; Cách chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn.
Dẫn dắt vấn đề từ các khái niệm “Ngộ độc thực phẩm”, “Ô nhiễm thực phẩm”, đến các mối nguy sinh học, hoá học, hoặc vật lý,… giảng viên Hoàng Thị Minh Thu đã phân tích các yếu tố có thể khiến thực phẩm không an toàn cho người sử dụng.
Ví dụ như trong mối nguy sinh học có mối nguy ô nhiễm do các siêu vi trùng (virus), ký sinh trùng (sán dây, giun xoắn, sán lá gan, sán lá phổi), nấm mốc; Mối nguy hóa học do các chất ô nhiễm từ môi trường, các chất hoá học sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, các chất phụ gia thực phẩm sử dụng không đúng quy định; Thuốc thúc chín trái cây, các hợp chất không mong muốn có trong bao bì chứa đựng, vật liệu đóng gói thực phẩm, bát đĩa... Các chất độc tự nhiên có sẵn trong thực phẩm. Hóa chất cấm sử dụng, chất tẩy rửa… Thực phẩm bị biến chất, tương tác. Nước nhiễm kim loại nặng, methanol…
Từ nhận diện được các mối nguy sinh học, hoá học, vật lý,… chuyên gia của Viện NFSI nhấn mạnh đến việc mỗi người nên thay đổi thói quen tiêu dùng, chọn mua thực phẩm tại cơ sở bảo đảm các nhóm điều kiện ATTP theo quy định, như: Điều kiện về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, con người. Nếu là cơ sở kinh doanh thực phẩm thì có đủ giấy tờ pháp lý: Giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề thực phẩm; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở thuộc diện cấp Giấy chứng nhận (Giấy cam kết bảo đảm ATTP đối với Cơ sở không cố định, bán thực phẩm bao gói sẵn…); Hồ sơ nguồn gốc thực phẩm, nước, nước đá, sổ ghi chép nguồn gốc;…
Giảng viên của Viện NFSI cũng đã chia sẻ những kiến thức liên quan đến cách bảo quản thực phẩm; Chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn tại gia đình theo 10 nguyên tắc vàng;…
Ví dụ như, để đảm bảo vệ sinh thực phẩm từ căn bếp, điều đầu tiên cần chú ý là phải luôn giữ sạch và ngăn nắp, vì đây là khu vực thường sơ chế (rửa; cắt; ướp) đồ sống, vi khuẩn từ thức ăn sống rất dễ xâm nhập và sinh sôi vì trong môi trường ẩm ướt, nhiều cơ chất của bếp hoặc nhiễm chéo từ thức ăn sống vào thức ăn chín gây ra những bệnh về đường tiêu hoá, gây ngộ độc thực phẩm. Do đó, nên dọn dẹp, lau rửa căn bếp và dụng cụ nấu nướng mỗi ngày, đặc biệt là hai giai đoạn sau khi sơ chế thực phẩm sống và sau bữa ăn…
Nội dung chia sẻ của chuyên gia Viện NFSI đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho gần 100 cán bộ, hội viên phụ nữ các xã, thị trấn của huyện Thanh Trì trong việc lựa chọn, bảo quản, chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn, qua đó phát huy cao nhất vai trò của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp của huyện Thanh Trì trong việc tuyên truyền, thực hành đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đúng khoa học.
Bảo đảm ATTP và chế độ dinh dưỡng cho người lao động, cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, khu cách ly