Mục tiêu của đề tài nhằm khảo sát thực tế kiến thức, thái độ về thừa cân, béo phì; mức độ tiêu thụ thực phẩm và thói quen ăn uống, sinh hoạt, hoạt động thể lực cũng như đo các chỉ số nhân trắc của người dân ở cả 02 giới tại một số địa phương nhằm đánh giá mối tương quan giữa các yếu tố kiến thức, thái độ, thực hành đến thừa cân, béo phì ở người trưởng thành. Từ đó nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất những giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng góp phần làm giảm thực trạng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành.
Nghiên cứu được tiến hành theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bao gồm 03 bước như sau:
Bước 1: Phỏng vấn, thu thập các thông tin chung của đối tượng: nhân khẩu học, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, lối sống, hoạt động thể lực, khẩu phần 24 giờ.
Bước 2: Đo huyết áp, đo các chỉ số nhân trắc như chiều cao, cân nặng, vòng eo, vòng mông, tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể.
Bước 3: Lấy 5ml máu để xét nghiệm nồng độ adiponectin (20 đối tượng/01 đơn vị điều tra)
Về kỹ thuật phỏng vấn, nhóm nghiên cứu kết hợp giữa phỏng vấn định lượng và định tính nhằm tìm hiểu nhận thức và thói quen ăn uống, sinh hoạt của đối tượng cũng như khai thác tiền sử các bệnh mãn tính. Phương pháp phỏng vấn là hỏi ghi, được thực hiện bởi các điều tra viên là sinh viên, bác sĩ nội trú chuyên ngành dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trường Đại học Y Hà Nội, đã được tập huấn kỹ trước khi triển khai.
Hình ảnh Điều tra viên thực hiện phỏng vấn tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh
Về đo huyết áp và các chỉ số nhân trắc, nhóm nghiên cứu sử dụng các công cụ cân đo chuẩn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, được thực hiện bởi các nhân viên y tế, kỹ thuật viên của các trạm y tế, trung tâm y tế tại địa phương nơi điều tra, đều là những người có kỹ năng và kinh nghiệm thực hiện cân, đo tại cộng đồng, đảm bảo quy trình và kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn.
Hình ảnh đo huyết áp và đo tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể tại trường THPT Thăng Long, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Về việc lấy máu nhằm xét nghiệm nồng độ adiponectin, một loại protein có tác dụng làm tăng tính nhạy cảm insulin, chống viêm, kích thích sự hấp thu glucose trong cơ xương, giảm sản xuất glucose ở gan…., nhóm nghiên cứu chỉ thực hiện ở những đối tượng có chỉ số BMI >= 23, phân bố đều ở cả 02 giới tính và các nhóm tuổi, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, từ đó các đối tượng có phương án thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi nhằm giảm thiểu các yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Quy trình lấy máu được thực hiện bởi các kỹ thuật viên có kinh nghiệm của trung tâm y tế địa phương. Đơn vị chịu trách nhiệm phân tích, xét nghiệm là Học viện Quân Y.
Trong năm 2018, nhóm nghiên cứu đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát 3550 đối tượng được lựa chọn theo phương pháp ngẫu nhiên hệ thống tại 06 xã, phường thuộc 06 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội là quận Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, quận Cầu Giấy, huyện Ba Vì, huyện Thanh Trì, huyện Đông Anh trong số 7100 đối tượng tại 12 quận, huyện cần khảo sát theo thuyết minh đề tài đã được phê duyệt, đạt 100% yêu cầu về tiến độ thực hiện.
Hiện nay, đề tài đã xây dựng được 06 báo cáo nghiên cứu sơ bộ dựa trên kết quả xử lý dữ liệu điều tra giai đoạn 1 gồm:
-
Báo cáo Tổng quan chung về thừa cân và béo phì
-
Báo cáo Tổng quan chung về apidonectin
-
Báo cáo Nghiên cứu mô tả thực trạng kiến thức, thực hành, thái độ về dinh dưỡng, sức khỏe và thừa cân, béo phì.
-
Báo cáo Nghiên cứu mô tả thực trạng tần suất bán định lượng tiêu thụ thực phẩm.
-
Báo cáo Nghiên cứu mô tả thực trạng khẩu phần ăn 24 giờ.
-
Báo cáo Nghiên cứu mô tả thực trạng kiến thức, thực hành, thái độ về hoạt động thể lực.
Trong năm 2019, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thực hiện điều tra tại 6 xã, phường thuộc 6 quận, huyện khác trên địa bàn thành phố Hà Nội để có đủ cơ sở dữ liệu đại diện nhằm xây dựng báo cáo nghiên cứu xác định mối liên quan giữa kiến thức, thực hành, thái độ về dinh dưỡng, nồng độ adiponectin trong máu với thừa cân, béo phì./.